Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên, bình dị và ấm áp. Bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt. Người đời lưu truyền rằng, từ thời Hùng Vương thứ 6 cho đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị những nồi bánh chưng rất to để đón Tết và trên mâm cơm cúng gia tiên đầu năm không thể thiếu hình ảnh chiếc bánh chưng, bởi đó là biểu tượng của lòng thành kính đến tổ tiên và những người đã khuất; đồng thời nhắc nhở về tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước.
Thế nhưng, ngày nay thật khó để kiếm tìm giữa chốn phố thị Hà thành, giữa bộn bề cuộc sống một không gian ấm áp của cả 3 thế hệ trong một gia đình cùng xum vầy trò chuyện bên những chiếc bánh chưng còn đang gói dở, bên ngọn lửa hồng bếp củi yêu thương. Mà thay vào đó người ta có thể chọn mua những cặp bánh chưng bày bán ngoài chợ, cửa hàng hay siêu thị. Với mong muốn níu giữ lại nét văn hóa xưa, những gì thuộc về quốc hồn, quốc túy của ông cha ta để lại; mỗi dịp Tết đến Xuân về Trung tâm ABA lại kết hợp với các trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội để tổ chức Lễ Hội Bánh Chưng cho học sinh. Chương trình mang ý nghĩa nhân văn cao cả, với mục đích giúp các thế hệ học sinh thêm hiểu biết và yêu mến nét đẹp truyền thống gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết đến xuân về của dân tộc ta.