“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Đó là đôi câu đối thân quen khi nói về những nét đặc trưng nhất trong ngày Tết nguyên đán của người Việt từ bao đời nay. Trong đó, chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến.
Với người dân Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có bánh chưng hẳn như sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết. Cứ vào những ngày giáp Tết, các gia đình Việt lại có phong tục gói bánh chưng như duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời. Ngoài ra, người Việt cũng gói bánh chưng trong ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch.
Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt
Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh chưng được làm từ gạo nếp trắng ngần với phần nhân có đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu… Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.
Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả ngày Tết để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.
Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.
Nguồn gốc ra đời của bánh chưng
Trong tâm thức của người Việt và được sử sách truyền lại cho con cháu đời sau, bánh chưng ra đời bắt nguồn từ truyền thuyết Lang Liêu và gắn với sự tích “Bánh chưng bánh dày”.
Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, đất nước thái bình nên vua muốn truyền ngôi cho con bèn bảo rằng: “Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.
Trong khi các hoàng tử khác đua nhau đi tìm của ngon, vật lạ thì chỉ có Lang Liêu vì mẹ mất sớm, gia cảnh khó khăn nên lo lắng không biết chuẩn bị gì. Sau một đêm nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi sống con người và có thể ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời và lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.
Lang Liêu tỉnh dậy và thực hiện đúng như những lời được chỉ bảo trong giấc mơ. Chàng lựa những hạt nếp trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày. Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại để mang lễ vật đến cúng Tổ tiên. Giữa rất nhiều sơn hào hải vị, Vua Hùng chỉ hài lòng duy nhất với món bánh chưng và bánh dày của Lang Liêu và truyền ngôi cho chàng. Từ đó về sau, hàng năm cứ mỗi dịp giỗ Tổ Vua Hùng và vài dịp Tết, người dân lại làm bánh chưng bánh dày để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và bày tỏ lòng thành với Tổ tiên.