PHONG TỤC ĐÓN TẾT Ở MIỀN BẮC

TẾT CỔ TRUYỀN

Là một đất nước với nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc, có thể nói Tết Nguyên Đán là một lễ hội lớn nhất được nhiều người đón chờ nhất. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có những phong tục, truyền thống riêng. Cùng chúng tôi tìm hiểu những nét đặc trưng trong phong tục đón Tết miền Bắc dưới đây nhé!

HOA ĐÀO – BIỂU TƯỢNG TẾT MIỀN BẮC

Nếu như miền Nam nhắc đến Tết gắn với hình ảnh những cành mai vàng rực rỡ; thì Tết miền Bắc cũng có một loài đặc trưng là hoa đào. Mỗi mùa xuân về, màu hồng lại bao trùm khắp các ngọn núi Tây Bắc, phủ khắp các phiên chợ miền xuôi. Hoa được bày bán tràn trên các con đường. Vài người tranh thủ muốn kiếm thêm dịp Tết còn dậy từ sáng sớm rồi lựa chọn các gốc hoa về dưới thành phố để bán.

Hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Màu sắc tươi sáng còn mang ý nghĩa may mắn, sung túc và thịnh vượng. Đúng là một loài hoa sinh ra để dành cho ngày Tết.

PHONG TỤC ĐÓN TẾT Ở MIỀN BẮC

TẾT CỔ TRUYỀN

MÂM NGŨ QUẢ RỰC RỠ

 

Đối với người Bắc, mâm ngũ quả không nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ các loại quả để đọc lái thành một câu trọn vẹn ý nghĩa như trong Nam. Nhưng trước hết là phải đẹp. Thường trên mâm ngũ quả có 5 loại trái cây chính là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách bài trí cũng khá đơn giản, nải chuối được đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. So với trong Nam thì mâm ngũ quả ở ngoài Bắc nhỏ hơn.

Ngoài mâm ngũ quả, tủ thờ còn có bát đũa, những gói bánh nhiều màu, những gói kẹo lớn và 2 cây mía ở 2 bên để cho ông bà, ông vải chống gậy lên trời cầu bình an cho con cháu. Vì là nơi đầu tiên khách nhìn thấy khi bước chân vào nhà nên tủ thờ sẽ là nơi bày biện đẹp mắt nhất. Người Bắc khá coi trọng hình thức; vì thế họ luôn thể hiện khả năng kinh tế của mình thông qua các loại hàng hóa bày trên tủ thờ. Bây giờ, thói quen để rượu gạo lên tủ thờ đã thưa dần thay vào là rượu ngoại đắt tiền và bắt mắt.

PHONG TỤC ĐÓN TẾT Ở MIỀN BẮC

TẾT CỔ TRUYỀN

MÂM CỖ TẾT MIỀN BẮC

 

Phong tục đón Tết ở miền Bắc thì đặc biệt không thể nào thiếu được mâm cỗ cúng gia tiên. Mâm cỗ Tết miền Bắc được chuẩn bị rất cầu kỳ từ màu sắc, hương vị đến cả hình thức đều vô cùng đẹp mắt. Trong các gia đình truyền thống, thậm chí mâm cỗ cúng còn phải đảm bảo đầy đủ 4 bát, 4 đĩa; tượng trưng cho 4 phương 4 hướng. Cỗ bày trên mâm đồng hoặc gỗ thì mới đúng bài.

Các món thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết miền Bắc bao gồm: giò lụa, thịt lợn luộc, thịt gà luộc, chả quế. Nếu thời gian dư dả, người ta còn chuẩn bị thêm cả thịt đông – món ăn đặc trưng trong những ngày Tết lạnh của khu vực này.

PHONG TỤC ĐÓN TẾT Ở MIỀN BẮC

TẾT CỔ TRUYỀN

BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY

Bánh chưng, bánh giầy là món bánh cổ truyền, không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Trước kia, vào những ngày giáp Tết, các gia đình trong một xóm, một thôn thường tụ tập nhau lại, cùng gói và luộc bánh chưng qua đêm. Trẻ con trong xóm cùng nhau vừa chơi bài tam cúc vừa trông nồi bánh chưng luộc.

Ngày nay, tuy cuộc sống bận rộn khiến cho nhiều gia đình không thể tự gói bánh chưng nhưng đây vẫn là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng thần linh, tổ tiên cũng như mâm cỗ ngày Tết.

PHONG TỤC ĐÓN TẾT Ở MIỀN BẮC

TẾT CỔ TRUYỀN

MỘT SỐ PHONG TỤC KHÁC

Một trong các phong tục ngày Tết nổi bật ở miền Bắc đó là lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Người miền Bắc cúng ông Táo thường có ba bộ áo mũ, mâm cỗ cúng và một con cá chép còn sống thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người ta sẽ đem cá chép đi thả để cá biến thành Rồng đưa ông Táo về trời.

Bên cạnh đó, vào dịp sát Tết, người miền Bắc thường đi chợ hoa, không chỉ để mua hoa, mua cây trang trí nhà cửa mà còn để tìm gặp các thầy đồ, xin một câu đối viết trên giấy đỏ thắm về treo trước cửa nhà. Tuy nhiên, hiện nay phong tục ngày Tết đầy thú vị này đã và đang dần mai một, rất ít nơi còn duy trì được.

Theo đúng phong tục Tết Nguyên Đán của người miền Bắc thì sau khi làm lễ cúng Giao thừa, cả gia đình thường sẽ đi ngắm pháo hoa hoặc đi chùa thắp hương, hái lộc. Ngày xưa, khi cúng Giao thừa xong, người miền Bắc còn có cổ tục dựng cây nêu trước nhà và đốt pháo nổ để xua đuổi những điều không may trong năm cũ cũng như những ma quỷ đang rình rập xung quanh. Tuy nhiên, hiện nay do pháo đã bị cấm nên tục đốt pháo cũng không còn nữa.